Phổ biến quy định sản xuất kinh doanh an toàn thực phẩm

151


Sáng ngày 6/10, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức hội nghị phổ biến các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kiểm dịch động, thực vật trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do tại một số thị trường trọng điểm.

Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Kim Anh,Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội; đồng chí Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội; Tiến sỹ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam; đồng chí Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay Việt Nam đã nỗ lực đàm phán và tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế, đồng thời đặt ra yêu cầu rất cao cho việc hội nhập kinh tế. Trong đó, việc cam kết đảm bảo các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm dịch động, thực vật, đòi hỏi tổ chức sản xuất, chế biến một cách bài bản, đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, ATTP để hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam tạo chỗ đứng bền vững trên thị trường thế giới. Những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo có hiệu quả trong các mô hình thực hiện ATTP như: Thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong khai thác sữa bò tươi”, “Thay đổi hành vi trong chăn nuôi và giết mổ lợn”; “Thực hiện sản xuất rau an toàn”, “Điểm phân phối thực phẩm an toàn”,… Mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”, góp phần giúp chị em phụ nữ và người dân nâng cao nhận thức về ATTP tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về sản xuất, tiêu dùng rau an toàn, giới thiệu sản phẩm chuỗi sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng trên địa bàn thành phố; kết nối người tiêu dùng là các hội viên phụ nữ với các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp sản phẩm rau, chăn nuôi an toàn. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” đang từng bước hướng vào việc hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ; hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế. Các cấp Hội phụ nữ tăng cường hoạt động phối hợp giám sát cộng đồng phòng chống ngộ độc thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật. Chủ động tổ chức giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở, hộ gia đình, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, phát hiện vấn đề và có những kiến nghị kịp thời với ngành chức năng hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, nhà quản lý Văn phòng SPS Việt Nam; Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch Việt Nam cung cấp thông tin về các nội dung: Giới thiệu chung về hội nhập quốc tế và hai Hiệp định CPTPP và EVFTAvới 3 cấp độ song phương, khu vực và sự thỏa thuận của nhiều quốc gia trên thế giới như WTO, điểm mới liên quan đến ATTP và kiểm dịch động, thực vât; Một số quy định về sản xuất, kinh doanh ATTP và kiểm dịch trái cây (SPS) xuất khẩu thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch như: Phương pháp bảo quản rau, quả bằng điều chỉnh khi bao gói; phương pháp rấm chín quả bằng khí ethylend; công nghệ bảo quản quả bằng chế phẩm tạo màng…

Phát biểu và bế mạc hội nghị, đồng chí Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội đánh giá việc tổ chức hội nghị với các nội dung ý nghĩa quan trọng, nhằm hỗ trợ, cung cấp, thông tin kịp tới tới các cơ quan quản lý và doanh nghiệp về những điểm mới liên quan đến ATTP và kiểm dịch động, thực vật cùng các yêu cầu tiêu chuẩn, kỹ thuật từ một số thị trường xuất khẩu trong cac hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, gần nhất là EVFTA và CPTPP; đảm bảo các quy định và kỹ năng thương mại, các rào cản kỹ thuật nhằm đem lại chất lượng sản phẩm, nhằm thay đổi tư duy của người sản xuất cũng như doanh nghiệp thương mại đáp ứng quy chuẩn quốc tế. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải liên kết sản xuất, tổ chức theo chuỗi giá trị để người tiêu dùng mới có niềm tin; người nông dân hợp tác tốt với doanh nghiệp và người tiêu dùng không nên dễ dãi trong sử dụng sản phẩm, những người hoạt động sản xuất kinh doanh phải theo nhu cầu người tiêu dùngvà tuân thủ tuyệt đối các quy chuẩn sẽ có cơ hội phát triển tốt.