Hội thảo đánh giá Dự án đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội giai đoạn III

92

Ngày 12/6/2018, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội thuộc Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Quỹ Citi Foundation, Trung tâm tài chính vi mô và phát triển tổ chức Hội thảo đánh giá Dự án đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội giai đoạn III (từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2018).

Căn cứ kết quả phối hợp khảo sát thực trạng và nhu cầu học nghề của thanh niên các huyện ngoại thành, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội tổ chức tuyển sinh và dạy các lớp sơ cấp nghề Kỹ thuật chế biến món ăn cho 70 nam nữ thanh niên xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, 35 người xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Sau thời gian phối hợp với Hội làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và các nghệ nhân Gốm sứ để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nghề sản xuất Gốm sứ mỹ nghệ, Trung tâm đã tổ chức tuyển sinh và dạy 01 lớp nghề sản xuất Gốm sứ mỹ nghệ cho 35 người xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm.

Kết quả sau 3 tháng học nghề:  Học viên các lớp đều hoàn thành chương trình học và đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp theo quy định. Trung tâm tổ chức thi tốt nghiệp các lớp nghề và 100% học viên các lớp học đã tốt nghiệp đủ điều kiện được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.

Đối với các lớp kỹ thuật chế biến món ăn, sau khóa học, Trung tâm phối hợp với các nhà hàng, công ty trên địa bàn tổ chức tuyển dụng lao động vào làm việc nhằm tạo cơ hội cho học viên được tiếp cận và có việc làm ngay sau khi kết thúc hoạt động đào tạo nghề. Một số học viên có nguyện vọng tự tạo việc làm, mở nhà hàng, cửa hàng bán hàng ăn riêng đã được các cán bộ quản lý và giáo viên Trung tâm tư vấn khởi sự doanh nghiệp và hỗ trợ về kiến thức quản lý, kinh doanh có hiệu quả. Có em Nguyễn Tuấn Cảnh, sinh năm 1996, sau khi học xong đã mở và làm chủ một chuỗi dịch vụ ăn, đồ uống, nghỉ ngay tại xã Hương Sơn, tạo việc làm cho 6 bạn cùng lớp vào làm việc tại Nhà hàng.

Đối với lớp nghề sản xuất Gốm sứ tại xã Bát Tràng: Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH sản xuất và thương mại dịch vụ Bảo Long Bát Tràng để tổ chức lớp, ngoài các giờ học lý thuyết, học viên được học thực hành nghề ngay trên dây chuyền sản xuất Công ty. Trong quá trình học tập, Công ty đã tạo điều kiện động viên bằng cả tinh thần và vật chất, chế độ bồi dưỡng cho học viên có khả năng tham gia vào các công đoạn trên dây chuyền sản xuất làm ra các sản phẩm có hiệu quả. Sau khóa học, Công ty đã đăng ký tiếp nhận 100% số học viên vào làm việc tại các dây chuyền.

Đến nay, kết quả có 124/140 (88,6%) học viên có việc làm sau đào tạo nghề với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, góp phần thúc đẩy các làng nghề truyền thống phát triển và nâng cao đời sống kinh tế của các địa phương.

Một số hình ảnh từ Hội nghị