Ngày 28/6, Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, Trung tâm Tài chính vi mô và Phát triển (M&D), Quỹ Citi Foundation tại Việt Nam tổ chức tổng kết giai đoạn 4 Dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội”.
Tham dự hội nghị có ông Bùi Quang Huy – Giám đốc Quỹ Citi Foundation tại Việt Nam, Bà Nguyễn Bích Vượng – Giám đốc Trung tâm Tài chính vi mô và phát triển, Bà Nguyễn Thị Hảo – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, các nghệ nhân và đại diện Hội LHPN các huyện dự án và các em học viên.
Dự án giai đoạn 4 triển khai từ tháng 8/2018 đến tháng 6/2019, đào tạo các nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, gốm sứ mỹ nghệ, mây tre đan, chạm khắc gỗ, khảm trai, nón lá ở các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thanh Oai cho 245 học viên (Nam 11,3%; Nữ 88,7%), nâng tổng cộng 4 giai đoạn (triển khai từ 2015 đến nay) đã đào tạo nghề cho 1.410 học viên.
Sau các lớp học nghề, Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp địa phương như Công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc ở làng Bát Tràng, các xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng Thiết Ứng xã Vân Hà, xưởng làm Nón lá tại làng Chuông, các cơ sở sản xuất khảm trai mỹ nghệ tại xã Chuyên Mỹ để tiếp nhận và bố trí công việc làm, đồng thời rèn thêm tay nghề cho các em, tạo cơ hội cho học viên được tiếp cận và có việc làm ngay sau khi kết thúc hoạt động đào tạo nghề và có thu nhập. Mức thu nhập bình quân của học viên sau đào tạo từ 3.000.000 đ đến 4.000.000 đ/tháng, trong đó: Mức lương tối thiểu 1.500.000đ/tháng (Làm Nón lá), mức lương tối đa, có những em đạt tới 6.500.000đ đ/tháng (Gốm sứ, Chạm gỗ mỹ nghệ). Một số học viên có nguyện vọng tự tạo việc làm mở cửa hàng ăn nhỏ đã được các cán bộ quản lý và giáo viên Trung tâm tư vấn khởi sự doanh nghiệp và hỗ trợ về kiến thức quản lý.
Ngoài được đào tạo nghề, các học viên còn được kết nối, tư vấn hỗ trợ phát triển kinh doanh nhỏ; tập huấn chuyên đề về giáo dục tài chính, cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả; tập huấn khởi sự kinh doanh nhỏ.
Tại hội nghị tổng kết, Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cho biết: Việc đào tạo nghề ngày nay đang đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng mở ra không ít thời cơ, đặc biệt là các nghề thủ công truyền thống. Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội luôn chú trọng chất lượng đào tạo các nghề để đem lại hiệu quả bền vững cho học viên được thụ hưởng, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.
Đặc biệt, trong giai đoạn 4 này, dự án đã nghiên cứu hướng đào tạo mới, quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề đối với các nghề thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống lâu đời, phối hợp với các cấp các ngành để tuyên truyền cho lao động nhận thức, khơi dậy ý thức học nghề, yêu nghề của cha ông để lưu giữ nghề của các làng nghề truyền thống.
Một số hình ảnh tại hội nghị: