Luật Chuyển giao công nghệ có gì mới?

155

Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 được Quốc hội khóa XIV, thông qua tại kỳ họp thứ 3 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 và thay thế Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.

Các chính sách biện pháp được sửa đổi, bổ sung trong Luật được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh việc gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức trung gian, qua đó nâng cao hiệu quả thương mại hóa công nghệ, thu hút các thành phần tham gia thị trường khoa học và công nghệ.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017, có 115 hợp đồng chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, với tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký ước tính khoảng 447.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng 02 hợp đồng chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Samsung thực hiện năm 2017 có tổng giá trị khoảng 323.000 tỷ đồng.

Với 6 chương, 60 điều, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, chương 1 về những quy định chung; chương 2 về thẩm  định công nghệ dự án đầu tư; chương 3 về hợp đồng chuyển giao công nghệ; chương 4 về biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; chương 5 về quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ; Chương 6 về điều khoản thi hành.

Một trong những điểm mới của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 là bổ sung 1 Chương (Chương II với 9 Điều) quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư nhằm ngăn chặn, loại bỏ công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ; quy trình, thủ tục thẩm định, lấy ý kiến đối với từng loại dự án. Đồng thời, trong Chương này cũng thiết kế 1 điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư.

Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho bà con nông dân có thể tiếp cận, thụ hưởng công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại, Luật chuyển giao công nghệ 2017 đã dành 1 điều (Điều 52) quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, trong đó quy định hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ đặc thù trong nông nghiệp.

Luật bổ sung quy định về chính sách ưu tiên chuyển giao công nghệ để tạo ra các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước. Đồng thời, khuyến khích phát triển các công nghệ tạo ra và hoàn thiện sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Nhà nước có chính sách và biện pháp đẩy mạnh việc hoàn thiện thiết kế, chế tạo máy móc, thiết bị do Việt Nam tạo ra.

Luật cũng sửa đổi bổ sung một số nội dung như các thuật ngữ sử dụng trong Luật; chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ (Điều 3); sửa đổi tiêu chí xây dựng Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao tại các Điều 9, 10, 11; quy định về quản lý chuyển giao công nghệ (Điều 31); cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp (Điều 35); sửa đổi, bổ sung chính sách thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; bổ sung giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ (Điều 42 và Điều 43); quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (Điều 36); trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ (Điều 54, 55 và 56); quy định về thống kế ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ (Điều 57)

Điều 35 của Luật đã bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ. Theo đó, đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức khoa học- công nghệ với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.

Luật cũng mở rộng thêm một số đối tượng được hưởng ưu đãi thuế so với các quy định ưu đãi thuế hiện hành, cụ thể là: máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, vật mẫu, công nghệ trong nước chưa tại ra được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động giải mã công nghệ; tài liệu, sách báo khoa học phục vụ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ có thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ; tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ tại doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao.

Để giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Điều 36 đã bổ sung một số giải pháp như: giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ sở hữu kết quả hoạt động khoa học và công nghệ với tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phù hợp đặc thù của địa phương được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ./.