Du lịch trải nghiệm làng nghề Hướng khởi nghiệp sáng tạo

89

Mô hình du lịch gắn với trải nghiệm nghề là một trong những ý tưởng sáng tạo của chị Đào Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Điểm mới của mô hình là kết hợp các tua du lịch thăm quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề thuộc Huyện Đông Anh để giúp du khách được thăm quan, mua sản phẩm và trải nghiệm với nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống đã được hình thành hơn 300 năm tại thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, Huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Cách thức thực hiện của ý tưởng là: Kết hợp với các công ty du lịch xây dựng các tua du lịch ngắn trong ngày thăm quan các điểm di tích lịch sử nổi tiếng của địa phương như: Đền Cổ Loa, Đền Sái, Múa rối nước Đào Thục, nghe hát ca Trù Lỗ Khê kết hợp thăm quan và mua sản phẩm làng nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ và trải nghiệm làm sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Doanh nghiệp tạo điểm trưng bày sản phẩm, điểm thăm quan quá trình sản xuất, điểm trải nghiệm; Các nghệ nhân, thợ giỏi tại làng nghề phối hợp cung cấp sản phẩm trưng bày sản phẩm tiêu biểu, giúp cho du khách thăm quan quá trình sản xuất sản phẩm (Từ sáng tác mẫu, tạo phôi, áp dụng công nghệ sản xuất sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm,…), hướng dẫn trải nghiệm sản xuất sản phẩm, chọn mua sản phẩm.

Ý tưởng tập trung đến đối tượng khách hàng là du khách trong nước và quốc tế, khách có nhu cầu sử dụng sản phẩm làng nghề. Chính vì vậy, chị Vân mong muốn được tạo điều kiện xây dựng nhà truyền thống làng nghề để thực hiện ý tưởng có hiệu quả.

Có thể nói, Du lịch trải nghiệm làng nghề là ý tưởng phù hợp trong giai đoạn hiện nay, tạo bước phát triển mới cho làng nghề, tạo ra mô hình du lịch trong sản xuất và dịch vụ làng nghề; quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại chỗ, hiệu quả; đồng thời tăng thêm trải nghiệm sự thú vị, tạo thêm ấn tượng cho du khách khi đến thăm huyện Đông Anh. Đón khách du lịch cũng chính là cách để người dân địa phương nâng cao thu nhập, duy trì nghề truyền thống của cha ông