Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng

97
Nhân dịp đón năm mới Giáp Thìn 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cùng đại diện Câu lạc bộ Doanh nhân nữ Hà Nội thuộc Hội LHPN Hà Nội đã dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng.

Sáng ngày 5/2/2024, đoàn công tác do bà Nguyễn Thị Hảo – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội dẫn đầu đã tới dâng hương, tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sạ (Thường Tín, Hà Nội).

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sạ, sinh năm 1939, trong một gia đình thuần nông, tại xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Năm 1984, khi chiến tranh biên giới đang diễn ra ác liệt, Mẹ đã động viên người con trai duy nhất của mình là anh Nguyễn Xuân Hương, lên đường nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình chiến đấu, anh Nguyễn Xuân Hương đã anh dũng hy sinh.

Nén đau thương, mẹ Sạ đã tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, lao động sản xuất, luôn gương mẫu trong các phong trào địa phương, động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” vào năm 1995.

Bà Nguyễn Thị Hảo – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cho biết, từ năm 2016 Trung tâm đã nhận hỗ trợ và phụng dưỡng cho mẹ Trần Thị Sạ. Năm nay, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đoàn công tác thành tâm tới dâng hương tưởng nhớ người mẹ Việt Nam anh hùng.

Ngay sau khi dâng hương tại nhà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sạ, đoàn đã tới thăm và tặng quà cho các chiến sĩ cách mạng tại Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội).

Nơi đây hiện đang lưu trữ và tái hiện hơn 4.000 hiện vật, được chia thành 10 khu khác nhau nhằm tái hiện lại những góc khuất, bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của kẻ địch đối với những chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày. Bảo tàng được xem là “địa chỉ đỏ” lưu giữ những tư liệu, tài liệu vô giá để giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, con người, nhắc nhở thế hệ trẻ hiểu sâu hơn công lao của Đảng, sự hy sinh của lớp người đi trước, phải đổi bằng xương máu để có được cuộc sống ngày hôm nay.

Ông Lâm Văn Bảng – Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (vốn là cựu tù binh bị giặc bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc) chia sẻ, hàng ngày tại Bảo tàng có 16 cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc, họ chính là những hướng dẫn viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Có người đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số đến đây để thắp cho đồng đội nén nhang, gặp gỡ bạn bè, đồng chí cũ. Mọi người đều đến đây với tinh thần tự nguyện, như nhà của mình, thấy việc thì làm, mỗi người góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hi sinh.

Ông Bảng cũng bày tỏ sự xúc động khi được đoàn công tác do bà Nguyễn Thị Hảo dẫn đầu tới đây không những chỉ thắp hương tưởng niệm tới các chiến sĩ, đồng đội của mình mà còn có các món quà tặng cho thương binh ở đơn vị.

Sau lời chia sẻ đầy xúc động của ông Lâm Văn Bảng, bà Nguyễn Thị Hảo cũng bày tỏ sự khâm phục và trân trọng tri ân trước những hy sinh, cống hiến lớn lao của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày trong thời kỳ kháng chiến. Các chiến sĩ cách mạng đã góp phần tô thắm những trang sử vàng của dân tộc.   Bà Nguyễn Thị Hảo cho biết thêm, nhân dịp Tết Nguyên đán của dân tộc, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội (Hội LHPN Hà Nội) cùng Câu lạc bộ doanh nhân nữ Hà Nội đã tổ chức chương trình “Vòng tay nhân ái – Tết ấm yêu thương”. Đây là chương trình thường niên, với sự ủng hộ của các hội viên Câu lạc bộ doanh nhân, chương trình đã tổ chức loạt hoạt động đi thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng nhận nuôi dưỡng; tặng quà các chiến sĩ cách mạng bị tù đày là thương bệnh binh, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân, bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo. Với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chương trình nhằm tri ân, động viên các gia đình đón Tết cổ truyền dân tộc thêm ấm áp, hạnh phúc.