Với chị, giúp người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn là niềm vui hạnh phúc. Gần 20 năm làm việc thiện, chị không nhớ hết đã đến với những ai; giúp được gì thì giúp hết mình bằng tình thương yêu tự đáy lòng. Ðó là điều mà chị Nguyễn Thị Mai Liên luôn tâm nguyện.
(Bà Nguyễn Thị Mai Liên (người ở giữa) tặng quà cho người nghèo xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh Cao Bằng).
Trong chuyến xe từ TP Hà Nội lên Bản Giốc (Cao Bằng), tôi tình cờ biết chị Nguyễn Thị Mai Liên ở phường Kiến Hưng, quận Hà Ðông, TP Hà Nội. Mới mổ cột sống, vẫn vượt gần 400 km đường núi và không thấy người phụ nữ 64 tuổi này lo gì cho sức khỏe mà chỉ nghĩ đến việc chiếc xe chở năm tấn gạo lên Bản Giốc bị lật đêm qua, không biết đã bốc hết gạo hay chưa? Chị bảo kết hợp lên dự Lễ khởi công xây dựng chùa Bản Giốc, xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, muốn tặng bà con xã vùng cao biên giới này 500 suất quà, gồm năm tấn gạo, 500 thùng mì tôm và 100 triệu đồng. Xe chở gạo lên hôm qua, gần đến nơi rồi, đang leo dốc thì gặp nạn. May quá, người không việc gì.
Trong Lễ khởi công xây dựng chùa (nằm trong khu Quy hoạch phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc đã được phê duyệt năm 2007), Ban Tổ chức thông báo, tôi mới biết chị ủng hộ công trình 200 tấn xi-măng, toàn bộ gạch lát nền và ngói lợp mái, trị giá hàng tỷ đồng. Hôm ấy, trời nắng gắt, chị ở lại đến chiều, cùng người con trai xuống xã trao quà tận tay và nói chuyện với bà con nơi vùng biên này. Ðược nhận mười kg gạo trắng thơm đóng gói cẩn thận, một thùng mì tôm và hai trăm nghìn đồng, các hộ nghèo xã Ðàm Thủy ai cũng phấn khởi, cảm ơn người phụ nữ hảo tâm mà lần đầu họ gặp.
Trông chị không ai nghĩ là một doanh nhân: giản dị, chân chất và vẫn vẹn nguyên nét mộc mạc của người phụ nữ miền quê cách mạng Sài Sơn, huyện Quốc Oai, nơi thành lập chi bộ Ðảng đầu tiên của tỉnh Hà Tây trước đây; cũng là nơi vinh dự bốn lần được đón Bác Hồ về ở và làm việc. Sau bao năm tháng lăn lộn, năm 1990, chị Mai Liên mới an cư lập nghiệp tại quận Hà Ðông (Hà Nội). Với chị, được giúp người nghèo là một niềm hạnh phúc. Chả thế, sau khi mổ cột sống, chị lại đi tặng quà nhiều hộ gia đình chính sách ở các địa phương và cảm hứng thành thơ: Ðôi chân trần quê mùa bé nhỏ / Lại vào nam ra bắc như hồi nào / Ðến với người nghèo, khổ đau cùng chia sẻ. Gần 20 năm làm việc thiện, chị đến với nhiều vùng đồng bào có cuộc sống khó khăn, hay gặp thiên tai lũ lụt, không nhớ mình tặng quà những ai, bao nhiêu. Trong buổi giao lưu Phụ nữ Hà Ðông làm theo lời Bác Hồ, Ban tổ chức cho biết, chị đã mười năm đồng hành, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng vào Quỹ tấm lòng Việt của Ðài Truyền hình Việt Nam; hỗ trợ gần 500 triệu đồng các chương trình mổ mắt, mổ tim cho người nghèo; hỗ trợ xã nơi chị sinh ra, một xã ở tỉnh Thái Bình, mỗi xã hàng trăm triệu đồng xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Năm 2010, hỗ trợ 500 triệu đồng giúp đồng bào miền trung bị lũ lụt; hơn 40 tấn gạo, hàng chục nghìn thùng mì tôm, mì chính giúp đồng bào nghèo các địa phương đón Tết cổ truyền,v.v.
– Chị nhớ nhất kỷ niệm nào trong những lần đi làm việc thiện? Tôi hỏi.
– Vui, buồn có cả em ạ – Chị kể, một lần vào tỉnh Bạc Liêu, không nghĩ rằng cuộc sống của bà con vùng cách mạng với bao hy sinh anh dũng như thế mà nay vẫn còn khó khăn. Chị quyết định tặng 30 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng và một tỷ đồng làm 21 cầu bê-tông để xóa cầu khỉ. Một lần, chị vào tỉnh Quảng Bình để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Mưa như thác đổ, nước cuốn trôi cả chiếc xe ô-tô của gia đình, sau đó, phải đại tu mới sử dụng được. Vất vả, nhưng vui, vì lúc bà con khó khăn nhất, thì mình có mặt – chị nói nhỏ với tôi.
Thế còn chuyện buồn? Chị cười rồi tiếp, một lần đi giúp hộ nghèo làm nhà. Theo danh sách của địa phương chị tìm đến thăm một gia đình, nhưng không ngờ họ lại đang xây nhà tầng rất kiên cố, thế mà địa phương lại đưa gia đình này vào hộ nghèo. Vậy là chị rút lại ngay một suất tiền ủng hộ.
Nhớ lại quãng đời gian nan, vất vả mà đầy nhiệt huyết, chị Mai Liên tâm sự, những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, từng làm xã đội phó, B trưởng B cơ động; đã lấy máu viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội, nhưng không được chấp thuận vì là gia đình liệt sĩ. Sau một số năm công tác trong ngành công an, chị về làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tây trước đây với công việc là chăm lo cây xanh trong khuôn viên của Tỉnh ủy. Công việc kinh doanh chính của chị có lẽ cũng khởi nguồn từ công việc này. Không có nghị lực, không tham công, tiếc việc thì không thể có như ngày hôm nay – chị nhớ lại, năm 1996 được Giám đốc Công an tỉnh Hà Tây đứng ra bảo lãnh mới được ngân hàng cho vay 15 triệu đồng mua những mảnh đất xấu, cấy lúa năng suất thấp để trồng cây cảnh. Làm ăn phát đạt, năm 2000, chị được vay năm tỷ đồng trong chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc. Cứ thế, từ trồng cây xanh, cây cảnh, chị đi lên. Công việc kinh doanh chính của gia đình hiện nay là trồng cây cảnh, cây ăn quả, trang trí nội thất, tư vấn đầu tư xây dựng; tạo việc làm thường xuyên cho 70 người và hơn 100 lao động thời vụ. Nếu có nhu cầu, những người làm việc thường xuyên cho chị đều được bố trí nhà ở mà không phải trả tiền, kể cả tiền điện, nước.
Chị nói với tôi, nhiều người cuộc sống còn khó khăn lắm, mình làm ăn thuận lợi, giúp được gì cho họ thì giúp. Học tập và làm theo lời Bác Hồ chị chỉ có một tâm nguyện như vậy thôi.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Ðông Nguyễn Thị Hảo cho tôi biết thêm, chị Mai Liên có nhiều đóng góp trong các hoạt động xã hội của quận; năm 2010, được vinh danh doanh nhân tiêu biểu 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hôm tổ chức giao lưu Phụ nữ Hà Ðông làm theo lời Bác, chị ủng hộ Quỹ vòng tay nhân ái của Hội 25 triệu đồng; trước đó đã ủng hộ Câu lạc bộ “Vầng trăng khuyết” (những nữ thanh niên xung phong sống trên địa bàn quận không có gia đình riêng) mười triệu đồng,… Hiện nay, chị đang cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận xây dựng Ðề án “Ðầm sen nhớ Bác” và sẽ triển khai thực hiện từ cuối tháng 7 này. Toàn bộ kinh phí do chị ủng hộ. Cải tạo các ao hồ trên địa bàn quận để trồng sen, Ðề án muốn góp phần trả lại môi trường xanh, sạch đẹp của quận Hà Ðông đã bị mất đi trong quá trình đô thị hóa và cũng là thể hiện tấm lòng nhớ ơn Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Bài và ảnh: BẮC VĂN – Báo Nhân dân