45% trẻ phạm tội do gia đình không quan tâm

87

Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề trách nhiệm của bố mẹ, nhà trường đối với trẻ dưới 16 tuổi phạm tội tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 26/10, về sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 26/10, Quốc hội thảo tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, nhiều đại biểu vẫn có ý kiến khác nhau về vi phạm trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (Khoản 2, Điều 1 của dự thảo luật).

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu ra nghiên cứu của Học viện cảnh sát nhân dân về hoàn cảnh gia đình của tội phạm vị thành niên. Trong đó, 11% là do bố mẹ ly hôn, 29% là do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu, 5% là do bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đến 45% là do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến trẻ con.

(Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu)

Theo đại biểu Mai Hoa, trẻ em ở tuổi 14 đến 16 thực sự chưa hoàn thiện nhân cách, dễ bị kích động dẫn đến những hành vi thiếu suy nghĩ. Nguyên nhân đẩy trẻ đến hành vi phạm tội, một mặt là từ phía bản thân trẻ; tuy nhiên, đại biểu Mai Hoa băn khoăn vấn đề đạo đức xã hội, những ứng xử trong xã hội giữa người lớn với người lớn sẽ có những tác động đến trẻ. “Môi trường sống của trẻ liệu đã an toàn chưa, khi xung quanh trẻ hiện nay có rất nhiều văn hóa nghe nhìn, giải trí rất độc hại và có rất nhiều những nội dung kích động, bạo lực”. Đại biểu Mai Hoa dẫn ra ví dụ, có bé gái chỉ vì việc “câu like” trên facebook mà sẵn sàng mang xăng vào trường để đốt. Đó là những hành vi kích động mà không phải tự bản thân trẻ có thể làm chủ được hành vi của mình.

Qua đó, đại biểu Mai Hoa nhấn mạnh đến trách nhiệm của gia đình, của nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ. “Việc răn đe, đẩy trẻ vào con đường phải chịu trách nhiệm hình sự chưa hẳn đã là sự lựa chọn đúng đắn để giáo dục. Chúng ta phải có những giải pháp khác và chúng ta phải lắng nghe, quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Đó là trách nhiệm của người lớn”, đại biểu Mai Hoa bày tỏ.

Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, cho rằng người chưa thành niên hiện nay có những hành vi nguy hiểm, gây bức xúc dư luận như gây thương tích, bạo lực học đường, hiếp dâm hay trộm cướp tài sản…  Tuy nhiên, theo đại biểu Tám, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện nhất quán trong quá trình xây dựng các đạo luật hình sự từ trước tới nay. Do đó, thay vì xử lý hình sự, đại biểu Tám đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp xử lý, giáo dục khác, nhằm ngăn chặn, giáo dục, cải tạo, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, tạo điều kiện cho tương lai của các em trong quá trình phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần.

Đại biểu này đồng thuận với các quy định về việc không xử lý hình sự đối với người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác”, “tội hiếp dâm”, “tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

(Môi trường xã hội ảnh hưởng tới trẻ em khi ít được gia đình quan tâm)

Đại biểu Lê Tấn Tới, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, bổ sung: Điều 40 của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên cũng quy định “các quốc gia thành viên xác định độ tuổi tối thiểu mà dưới độ tuổi đó trẻ em bị coi là không có khả năng vi phạm hình sự”. Luật hình sự đã xác định độ tuổi tối thiểu của trẻ em phạm tội hình sự là đủ 14 tuổi.

Qua đó, đại biểu Tấn Tới đề nghị sửa Khoản 2, Điều 1 theo hướng là “người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”. Đồng thời kiến nghị dự thảo luật không liệt kê một số tội cụ thể như Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo: Báo Phụ nữ Việt Nam