Hướng dẫn phối hợp triển khai công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, truyền thông nâng cao kiến thức và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2018

151

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ HÀ NỘI

TT HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN PHỤ NỮ

Số:   09    /HD-TT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2018

HƯỚNG DẪN

Phối hợp triển khai công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm,

truyền thông nâng cao kiến thức và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2018

Thực hiện Chương trình công tác năm 2018 của Hội LHPN thành phố  Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội hướng dẫn Hội LHPN các quận, huyện, thị xã phối hợp triển khai các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm,truyền thông nâng cao kiến thức và thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” năm 2018, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

– Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội phụ nữ Hà Nội và đơn vị sự nghiệp của Hội trong công tác đào tạo dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, nâng cao kiến thức cho phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, có việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

– Các hoạt động được tổ chức, triển khai đồng bộ, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thi đua của Ban thường vụ Hội LHPN Hà Nội giao.

II. NỘI DUNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Chỉ tiêu Hội LHPN thành phố giao cho mỗi quận, huyện, thị xã:

–  Hỗ trợ đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 500 lao động/đơn vị (trong đó có 70% lao động nữ).

– Triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp”:

+ 90% cán bộ Hội các cấp tham gia triển khai Đề án, được nâng cao nhận thức và phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

+ 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

+ Có biện pháp hỗ trợ ít nhất 10 phụ nữ khởi nghiệp.

+ 70 phụ nữ mới khởi nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ, chủ hộ sản xuất, kinh doanh được tư vấn, hỗ trợ kiến thức quản lý phát triển sản xuất, kinh doanh.

+ Tuyên truyền, xây dựng mô hình HTX, tổ hợp tác, nhóm liên kết nữ doanh nhân, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

2. Giải pháp thực hiện

a. Công tác tuyên truyền

– Bằng nhiều hình thức phù hợp thông qua sinh hoạt Hội, tập huấn, hội thảo, hội thi,… tuyên truyền các văn bản chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố Hà Nội về học nghề, lao động, việc làm, phát triển kinh tế, khởi nghiệp tới cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân.

– Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội khai thác nguồn lực tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật, gia đình, xã hội, kỹ năng, năng khiếu cho cán bộ, hội viên theo nhu cầu, đặc biệt quan tâm phụ nữ mới khởi nghiệp, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nhập cư, phụ nữ nông thôn nằm trong vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

– Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền. Tích cực khai thác thông tin tuyên truyền từ Website của Hội Liên hiệp phụ nữ, Báo phụ nữ Thủ Đô, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội.

b. Công tác tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề

– Khảo sát nhu cầu học nghề, tìm việc làm của hội viên phụ nữ và con em trong  độ tuổi lao động, phối hợp với các phòng Lao động TBXH, phòng Kinh tế, Trung tâm giáo dục thường xuyên, các HTX,… khai thác các nguồn lực hỗ trợ tư vấn, hướng nghiệp và tổ chức dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho người lao động.

– Phối hợp Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội tổ chức các lớp nghề như: Nấu ăn, Trang điểm, Pha chế đồ uống, thiết kế tạo mẫu tóc, may, dịch vụ gia đình, nữ công gia chánh theo nhu cầu tại Trung tâm và lưu động tại các địa phương.

– Phối hợp với các Nhà trường, Trung tâm dạy nghề, các trường nghề tuyên truyền hướng nghiệp, các chương trình tuyển sinh các lớp Nữ công gia chánh, Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng nghề.

c. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm

– Kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động, thường xuyên tuyên truyền các thông tin, tư vấn hỗ trợ hội viên phụ nữ và người lao động tìm việc làm phù hợp.

– Phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại địa phương hỗ trợ người lao động tìm được việc làm.

– Thông tin đến hội viên, nhân dân về Điểm giao dịch việc làm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ và các điểm giao dịch việc làm tại địa phương. Tuyên truyền các đơn hàng tuyển dụng lao động trong chuyên mục “Người tìm việc, việc tìm người” trên Website của Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội (Địa chỉ Website: hotrophunuhanoi.vn).

d. Phối hợp triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025”

– Tổ chức truyền thông, giao lưu, tọa đàm, hội thảo tuyên truyền về các văn bản, chủ trương chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế; Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025” đến cán bộ, hội viên và nâng cao năng lực cho phụ nữ sản xuất, kinh doanh, phụ nữ các làng nghề, phụ nữ mới khởi nghiệp.

– Khảo sát nhu cầu của phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, nữ doanh nhân để định hướng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phù hợp. Khảo sát, đề xuất hỗ trợ xây dựng mô hình HTX, tổ hợp tác, nhóm liên kết do nữ làm chủ.

– Khảo sát phát hiện các cá nhân, nhóm cá nhân là nữ có ý tưởng khởi nghiệp để tư vấn, giới thiệu, đề xuất địa phương và thành phố hỗ trợ kiến thức, vốn, trang thiết bị,… để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

– Phối hợp tuyên truyền, kết nối thông tin, tạo điều kiện để nữ doanh nhân tham gia các hội chợ, giao lưu kết nối thương mại, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ.

– Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động CLB Doanh nhân nữ các quận, huyện, thị xã và cơ sở, xây dựng mạng lưới CLB doanh nhân nữ thành phố Hà Nội. Thu hút, tập hợp nữ chủ hộ sản xuất, kinh doanh, nữ chủ doanh nghiệp, kết nối hỗ trợ nữ doanh nhân, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Vận động nữ doanh nhân thực hiện chuẩn mực “Tâm – Tài – Thanh lịch”.

– Phát hiện, biểu dương, tuyên truyền về các gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu. Lựa chọn hướng dẫn nữ doanh nhân lập kế hoạch kinh doanh, lựa chọn sản phẩm sáng tạo tham gia Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp Thành phố và TW tổ chức.

e. Hoạt động truyền thông hỗ trợ nâng cao kiến thức, đời sống sức khỏe, tinh thần cho phụ nữ

Khảo sát nhu cầu nâng cao kiến thức của hội viên, phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội khai thác nguồn lực tổ chức các hoạt động truyền thông, sự kiện, giao lưu, tọa đàm, hội thi,… nâng cao kiến thức pháp luật  gia đình, xã hội theo nhu cầu của phụ nữ ở từng địa bàn, đặc biệt là phụ nữ nhập cư, đơn thân, yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. 1. Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội

– Chủ động khai thác, liên kết, tạo nguồn lực tài chính, nhân lực để thực hiện chức năng hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động; tư vấn kiến thức cho phụ nữ và các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

– Chủ động phối hợp với các ban chuyên đề Thành Hội và Hội LHPN các quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động có chất lượng, hiệu quả, phân công cán bộ phối hợp tại địa bàn quận, huyện, thị xã.

– Thẩm định kết quả học nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp của các đơn vị theo chỉ tiêu giao. Tổng hợp, báo cáo kịp thời với Hội LHPN thành phố về kết quả thực hiện của Trung tâm và Hội LHPN các quận, huyện, thị xã.

2. Đề nghị Hội LHPN các quận, huyện, thị xã

– Căn cứ nhu cầu và tình hình thực tế tại địa phương thường xuyên phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội triển khai thực hiện công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, truyền thông nâng cao kiến thức và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

– Tích cực hưởng ứng và phối hợp các hoạt động do Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức.

– Đảm bảo chế độ thông tin báo cáo hàng tháng theo hướng dẫn cụ thể như sau:

Về dạy nghề

+ Các lớp nghề ngắn hạn tại địa phương; các lớp nghề đào tạo tại các cơ sở của Trung tâm, các lớp nữ công gia chánh, Hội LHPN quận, huyện, thị xã có phối hợp với Trung tâm tổ chức, kết quả được ghi nhận số liệu theo thực tế.

+ Đối với các lớp dạy nghề do Hội LHPN quận, huyện, thị xã trực tiếp tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị khác (Không phối hợp trực tiếp với Trung tâm tổ chức). Kết quả chỉ được công nhận khi trong Quyết định mở lớp có ghi giao Hội LHPN tuyển sinh, phối hợp tổ chức. Hoặc có kế hoạch liên ngành về việc mở lớp, danh sách học viên kèm theo phải  có xác nhận của đơn vị phối hợp tổ chức (có chữ ký lãnh đạo và dấu xác nhận).

* Về tư vấn, giới thiệu việc làm

+ Kết quả tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn nghề có phối hợp trực tiếp, thông qua Trung tâm được ghi nhận theo số liệu thực tế.

+ Đối với kết quả tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn nghề không phối hợp, thông qua Trung tâm kết quả được công nhận khi:

Danh sách lao động được Hội LHPN tư vấn, giới thiệu phải có xác nhận của chủ doanh nghiệp và đóng dấu của doanh nghiệp.

Đối với các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nhỏ không có dấu thì danh sách lao động do Hội LHPN giới thiệu phải có chữ ký xác nhận của chủ cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh và xác nhận của tổ dân phố, thôn xóm, UBND xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh đó.

Lao động được Hội LHPN giới thiệu và được tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm (Không phối hợp với Trung tâm) phải có danh sách lao động được tuyển có xác nhận của đơn vị tuyển dụng và đơn vị phối hợp tổ chức phiên giao dịch.

Về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Hoạt động thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2025” có giấy mời hoặc thông báo cụ thể nội dung, thời gian tổ chức; Lập danh sách phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp và tư vấn kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh (theo mẫu gửi kèm, có xác nhận của địa phương hoặc đăng ký kinh doanh).

Đề nghị các đơn vị báo cáo kết quả số liệu cụ thể thực hiện từng chỉ tiêu có thể kết hợp chung trong báo cáo tháng và các danh sách (theo mẫu gửi kèm) trước ngày 15 hàng tháng, báo cáo định kỳ theo chuyên đề: 6 tháng gửi trước ngày 15/6; báo cáo năm trước ngày 15/11 về Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội qua đường bưu điện hoặc scan gửi về hộp thư điện tử ([email protected]).

Nơi nhận:

–  Thường trực Hội LHPN Thành phố (để b/c);

– Hội LHPN quận, huyện, thị xã;

–  Các phòng thuộc Trung tâm;

–   Lưu VT.

 

GIÁM ĐỐC

(đã ký)

Nguyễn Thị Hảo